Cà phê là thức uống được ưa chuộng trên toàn thế giới để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng. Với sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu cà phê, các quán cà phê địa phương cũng như các công thức đồ uống từ cà phê độc đáo, sức ảnh hưởng của cà phê là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không nhiều người trong chúng ta dành thời gian để tìm hiểu về quá trình “từ hạt cho đến ly cà phê”. Ít ai biết rằng, đằng sau những ly cà phê thơm ngon ấy là cả một câu chuyện về những giống cà phê đầy thú vị.
Loại cà phê mà chúng ta thưởng thức hàng ngày có hai giống chính, Arabica và Robusta. Rất dễ để nhận ra sự khác biệt giữa chúng. Arabica khó trồng hơn, mang vị dịu nhẹ hơn, đây cũng là lí do khiến nó phổ biến hơn cả. Coffea canephora, hay Robusta, lại là loại cà phê cứng cáp hơn, nghĩa là nó dễ trồng hơn và có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt hơn so với Arabica. Robusta thường bị đánh giá thấp và kén người uống vì mang vị nồng và độ chua cao. Tuy nhiên, Robusta lại là loại hạt cà phê hoàn hảo để pha espresso, đặc biệt là loại espresso của Ý – là nền tảng cho nhiều thức uống cà phê mà chúng ta yêu thích. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về hạt cà phê Robusta, về lịch sử, hương vị và lý do tại sao đây là loại hạt cà phê xứng đáng được đánh giá cao.
Lịch sử của hạt cà phê Robusta
Hạt cà phê Robusta được phát hiện lần đầu tiên tại Congo vào những năm 1800. Cây cà phê (Coffea canephora) cũng mọc hoang dã ở các khu rừng nhiệt đới quanh Hồ Victoria ở Uganda. Chính việc phát hiện ra cà phê Robusta ở Congo đã thực sự mở ra một chương mới cho ngành cà phê toàn cầu. Khác biệt với cà phê Arabica chỉ có thể trồng ở các vùng cao, cà phê Robusta lại có thể phát triển mạnh mẽ ở những vùng đất thấp, mang đến tiềm năng to lớn cho những khu vực vốn không thể trồng cà phê truyền thống. Năm 1869, một đòn giáng mạnh giáng xuống ngành cà phê khi bệnh gỉ sắt tàn phá Ceylon và sau đó quét sạch các đồn điền ở vùng đất thấp ở Java vào năm 1876. Chính trong giai đoạn đen tối này, Robusta – loại cây cứng cáp, có thể cao tới 10 mét, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn – đã trở thành tia hy vọng, góp phần hồi sinh ngành cà phê ở những khu vực bị ảnh hưởng. Sự phát triển của Robusta ghi dấu ấn mạnh mẽ trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, Chiến tranh Thế giới thứ hai và những biến động chính trị tại châu Phi đã tạm thời kìm hãm đà tiến của loại cà phê này. Sau làn sóng độc lập, sự hỗ trợ từ các chính phủ châu Phi mới đã giúp thương mại Robusta tìm lại chỗ đứng và tiếp tục phát triển. Cùng với sự lan rộng sang các vùng đất mới như châu Á và miền Bắc Brazil, Robusta đã tạo nên những cuộc bùng nổ sản xuất cà phê trên toàn cầu. Việt Nam, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng, vươn lên trở thành nhà sản xuất Robusta lớn nhất thế giới, góp phần đưa quốc gia này trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai toàn cầu.
Hạt Robusta ở Việt Nam
Dưới thời kỳ thuộc địa, người Pháp đã mang cây cà phê đến Việt Nam vào năm 1857. Đến năm 1914, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện tự nhiên của vùng đất Tây Nguyên, họ đã chọn Buôn Ma Thuột, thuộc tỉnh Đắk Lắk, làm nơi trồng cà phê Robusta quy mô lớn. Đến năm 1922, những đồi cà phê xanh mướt đã bao phủ Tây Nguyên, và hầu hết sản lượng lúc đó đều được xuất khẩu thẳng về Pháp.
Sau khi giành được độc lập vào năm 1954, văn hóa cà phê bắt đầu hình thành và phát triển ở Việt Nam. Quán cà phê trở thành nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, phải đến những năm sau 1975, cà phê mới dần phổ biến ở miền Bắc.
Từ năm 1986, khi Việt Nam mở cửa và hội nhập với thế giới, ngành cà phê cũng đã có những bước phát triển vượt bậc. Chính phủ đã tập trung đầu tư vào việc mở rộng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, nhằm xây dựng ngành nông nghiệp chủ lực. Nhờ chính sách mới và giá cà phê thế giới tăng cao, sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Tây Nguyên, với những vùng trồng cà phê lớn như Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Krông Pắk, Krông Năng, đã trở thành trung tâm sản xuất cà phê hàng đầu của cả nước.
Hầu hết hạt cà phê Robusta ở Việt Nam được trồng ở Tây Nguyên, bao gồm các tỉnh Đà Lạt, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Khí hậu và đất đai tại đây vô cùng thích hợp cho sự phát triển của giống cà phê này. Cà phê Việt Nam, đặc biệt là Robusta, thích nghi rất tốt với địa hình đồi núi cao và hiểm trở.
Các loại hạt cà phê Robusta khác nhau
Cà phê Robusta có hai giống chính, Nganda và Erecta. Giống Nganda có tán lá rộng, trong khi Erecta lại là một cây cà phê thân cao. Điều thú vị nhất về cây cà phê Robusta là chúng có khả năng lai chéo tự nhiên với nhau, tạo ra nhiều giống lai độc đáo. Nhiều giống lai này, điển hình như Catimor và Sarchimor, thường được dán nhãn là Arabica khi được trồng và bán. Tuy nhiên, do chứa gen Robusta trong cấu trúc di truyền nên các giống lai này có khả năng kháng bệnh cao hơn, đặc biệt là bệnh gỉ sắt. Chúng cũng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt và dễ trồng trọt hơn. Nhiều người có thể không biết điều này nhưng trong nhiều năm, Robusta từng được coi là người anh em họ ít được yêu thích của cà phê Arabica. Tuy nhiên, những khám phá gần đây đã đưa ra một bước ngoặt đáng ngạc nhiên. Cà phê Robusta không phải là anh em họ của Arabica. Trên thực tế, nó đã sinh ra cà phê Arabica. Bạn thậm chí sẽ thấy rằng Robusta và Arabica tự lai chéo ngoài tự nhiên. Vào đầu thế kỷ 20, giống lai Timor đã xuất hiện để chứng minh sự kết hợp này.
Hương vị của cà phê Robusta
Hương vị cà phê Robusta luôn là chủ đề thu hút nhiều tranh luận bởi sự đa dạng và độc đáo của nó. Tùy thuộc vào vùng trồng, phương pháp canh tác và chế biến, mỗi ly cà phê Robusta sẽ mang đến trải nghiệm vị giác khác nhau. Cà phê Robusta được trồng ở nhiều khu vực trên thế giới, mỗi nơi sở hữu điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt, tạo nên những hương vị đặc trưng. Do là loại cây cà phê cứng cáp hơn, hạt Robusta thường không được áp dụng các quy trình phơi sấy hoặc hái đặc biệt như Arabica. Điều này có thể dẫn đến việc hạt Robusta có vị gắt hoặc đắng hơn so với Arabica.
Nhìn chung, cà phê Robusta có hương vị đậm đà, mạnh mẽ và chứa lượng caffeine cao hơn so với cà phê Arabica. Một số hương vị đặc trưng của Robusta bao gồm sô cô la đen, các loại hạt (như hạnh nhân) và thậm chí là một chút vị rượu whisky. So với Arabica, Robusta có độ chua cao hơn, đây là lý do khiến hạt cà phê Robusta thường có màu đậm hơn. Đối với những cây Robusta được trồng ở một vùng đất duy nhất (cà phê đơn nguồn), hương vị đất thường xuất hiện rõ rệt hơn do ảnh hưởng của đất trồng. Tuy nhiên, hương vị đất này thường kết hợp hài hòa với các hương vị đặc trưng khác như sô cô la đen, hạt, tạo nên một tổng thể hương vị phong phú và đa dạng cho loại cà phê Robusta. Ở Việt Nam, cà phê Tây Nguyên, trong đó có cà phê Đà Lạt, nổi tiếng với hương vị mạnh mẽ và đậm đà. Người ta thường cảm nhận được hương vị đất, gỗ và hạt, kết hợp với vị đắng và chát nhẹ đặc trưng. Hương vị này khác biệt rõ rệt so với vị chua nhẹ của Arabica.
Ưu điểm của cà phê Robusta
Cà phê Robusta sở hữu nhiều ưu điểm khiến nó trở thành lựa chọn yêu thích của những người sành cà phê ưa thích hương vị đậm đà, mạnh mẽ. So với Arabica, cây cà phê Robusta có thể chịu được điều kiện trồng khắc nghiệt ở độ cao thấp và ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh. Việc chế biến cà phê Robusta cũng đơn giản hơn nhiều với phương pháp chế biến khô chế biến khô. Có thể nói, cà phê Robusta dễ trồng trọt, mang lại năng suất cao và ít tốn kém chi phí chăm sóc cũng như công sức chế biến của nông dân.
Mặt khác, Robusta chứa gấp đôi lượng caffeine so với Arabica, mang đến hương vị mạnh mẽ, sảng khoái và khả năng kích thích tỉnh táo hiệu quả. Đây là điểm cộng lớn cho những ai yêu thích cà phê đậm đà và cần nạp thêm năng lượng cho ngày dài. Không chỉ vậy, nhờ những ưu điểm về khả năng sinh trưởng, dễ trồng trọt và chế biến nên cà phê Robusta còn là lựa chọn lý tưởng cho người tiêu dùng muốn thưởng thức cà phê chất lượng tốt với mức giá tiết kiệm vì giá thành của chúng trên thị trường thường rẻ hơn cà phê Arabica.
Nhược điểm của cà phê Robusta
Hạt Robusta tuy được những người sành cà phê đánh giá cao nhưng lại ít phổ biến hơn cả, vì chúng mang vị đắng và chua gắt đặc trưng, khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, đặc biệt là những người mới bắt đầu tìm hiểu về cà phê. Mặt khác, mặc dù cây cà phê Robusta là loại cây cứng cáp, nhưng để phát triển tốt chúng cần có lượng mưa dồi dào và độ ẩm cao. Do đó, chúng chỉ sinh trưởng mạnh mẽ ở các khu vực rừng nhiệt đới, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp. Điều này khiến việc trồng trọt và thu hoạch Robusta trở nên khó khăn hơn so với Arabica, vốn có thể thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Một vài câu hỏi thường gặp về cà phê Robusta
Tại sao hạt Robusta lại được ưa chuộng trong pha chế espresso?
Ngoài hàm lượng caffeine trong hạt cà phê Robusta gấp đôi so với Arabica, Robusta còn được biết đến với khả năng tạo ra lớp crema đẹp mắt hơn cho espresso nhờ hàm lượng dầu trong hạt cao. Crema là lớp bọt mịn, sánh trên bề mặt espresso.
Những quốc gia nào sản xuất nhiều hạt cà phê Robusta?
Việt Nam tự hào là nhà vô địch về sản xuất cà phê Robusta, chiếm hơn 25% sản lượng Robusta toàn cầu. Cùng với Việt Nam, các quốc gia khác cũng góp phần vào “bản đồ Robusta” thế giới như: Indonesia, Brazil, Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda và Ấn Độ.
Cà phê Robusta có tốt cho sức khỏe hơn cà phê Arabica không?
Hạt cà phê Robusta chứa nhiều chất chống oxy hóa và axit chlorogenic hơn so với Arabica. Điều này có thể giúp tăng cường trao đổi chất, giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch. Nếu bạn đang tìm kiếm một loại cà phê đậm đà với hàm lượng caffeine cao đủ để bạn tỉnh táo, tràn đầy năng lượng cả ngày, thì cà phê từ hạt Robusta chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Hiện tại, Bác Trư đang có 2 sản phẩm là PIGSY 1 – Truyền Thống và PIGSY 4 – Extra for Men sử dụng hạt cà phê Robusta.
Nguồn: Melissa Gunter & Mega Story.
Bạn có thể đặt mua các sản phẩm cà phê của Bác Trư tại:
- Website: https://bactrucoffee.com/
- Shopee: https://shopee.vn/bactrucoffee_
Liên hệ Bác Trư Coffee để nhận những thông tin và ưu đãi sớm nhất bạn nha!