Văn hóa cà phê Việt Nam

Cà phê Việt Nam đề cao sự thưởng thức và kết nối giữa mọi người
Cà phê Việt Nam đề cao sự thưởng thức và kết nối giữa mọi người

Du khách đến Việt Nam thường bị thu hút bởi những bãi biển thơ mộng, thành phố sôi động và những đền chùa cổ kính. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ, họ có thể bỏ lỡ một “viên ngọc ẩn giấu” – văn hóa cà phê Việt Nam vô cùng độc đáo. Việt Nam tự hào là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil, và cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Khác với cà phê kiểu Mỹ thường được dùng để “đánh thức” buổi sáng, văn hóa cà phê Việt Nam đề cao sự thưởng thức và kết nối giữa người với người, giữa các thế hệ với nhau.

Lịch sử cà phê Việt Nam

Cà phê là thức uống có nguồn gốc từ Ethiopia xa xôi và chỉ du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ 19 khi những người thực dân Pháp mang theo thứ thức uống này đặt chân đến Việt Nam. Cà phê nhanh chóng trở thành một loại cây trồng chính ở Việt Nam, và hương vị đậm đà của nó nhanh chóng chinh phục người Việt, biến cà phê thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam gắn liền với sự ảnh hưởng của người Pháp và sự phát triển của ngành trồng cà phê ở Tây Nguyên. Người Pháp đã mang đến kỹ thuật trồng và chế biến cà phê, đặt nền móng cho ngành cà phê Việt Nam ngày nay. Cũng nhờ vào điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng, Tây Nguyên trở thành vùng đất lý tưởng cho cây cà phê Robusta phát triển, biến Việt Nam thành nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Việt Nam là nhà sản xuất hạt Robusta hàng đầu thế giới
Việt Nam là nhà sản xuất hạt Robusta hàng đầu thế giới

Dấu ấn của Pháp đối với văn hóa cà phê Việt

Vào những năm 1850, Pháp bắt đầu đặt ách đô hộ lên Việt Nam, ảnh hưởng của họ kéo dài đến tận giữa thế kỷ 20. Giai đoạn thuộc địa này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong nhiều khía cạnh văn hóa, và văn hóa cà phê cũng không ngoại lệ. Một trong những ảnh hưởng rõ rệt nhất là việc du nhập phin cà phê kiểu Pháp. Chiếc phin nhỏ gọn này đã trở thành dụng cụ pha cà phê phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Ưu điểm của phin cà phê là giúp chiết xuất cà phê trọn vẹn hương vị, tạo nên ly cà phê đậm đà, thơm ngon, khác biệt hoàn toàn so với cà phê pha kiểu Mỹ. Do hạn chế về nguồn cung sữa bò trong thế kỷ 19, người Việt Nam đã sáng tạo sử dụng sữa đặc có đường thay thế. Vị ngọt béo của sữa đặc hòa quyện hài hòa với vị đắng của cà phê, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho cà phê Việt Nam.

Thị trường cà phê sôi động ở Việt Nam

Cà phê cần những điều kiện đặc biệt để phát triển. Điều kiện trồng cà phê tốt nhất là ở độ cao từ 600 đến 1200 mét so với mực nước biển. Cà phê cũng cần khí hậu không có sương giá, tránh những mùa đông khắc nghiệt thường gặp ở những vùng cao. Với những điều kiện như vậy thì chỉ một dải vĩ độ hẹp gần xích đạo mới thích hợp để trồng cà phê. Ở Việt Nam có nhiều vùng cao khắp cả nước đáp ứng được yêu cầu về độ cao, lượng mưa, nhiệt độ và đất phù hợp cho việc trồng cà phê. Việt Nam đã bắt đầu trồng cà phê từ những năm 1900, nhưng việc sản xuất cà phê chỉ thực sự bùng nổ vào những năm 1980 và 1990 và kể từ đó vẫn không ngừng tăng trưởng.

Việc sản xuất cà phê chỉ thực sự bùng nổ vào những năm 1980 và 1990
Việc sản xuất cà phê chỉ thực sự bùng nổ vào những năm 1980 và 1990

Hạt Arabica và Robusta: Bí quyết cho hương vị đậm đà của cà phê Việt Nam

Giống như nhiều loại cây trồng khác, cà phê cũng có rất nhiều giống hạt khác nhau, và hạt cà phê đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên hương vị cà phê đậm đà của cà phê Việt Nam. Giống cà phê phổ biến nhất được bán ở Hoa Kỳ là Arabica, và ở Việt Nam thì loại hạt này được sản xuất ở nhiều vùng thuộc nửa phía Bắc đất nước. Tuy nhiên, khi nhắc đến cà phê Việt Nam, người ta thường sẽ nghĩ ngay đến hạt Robusta. Hạt Robusta được biết đến với độ mạnh và hương vị đậm đà, nhưng ở Hoa Kỳ, chúng chủ yếu được sử dụng trong các loại cà phê trộn. Robusta sở hữu hương vị mạnh mẽ, đậm đà, đắng hơn và có hàm lượng caffeine gấp đối hạt Arabica. Người ta thường ví Robusta như socola đen còn Arabica là sữa. Khi uống cà phê Robusta, nhiều người sẽ cảm thấy không quen với vị đắng đậm của nó, nhưng thực chất hạt Robusta có chiều sâu hương vị mà chưa chắc bạn có thể tìm thấy ở các quán cà phê địa phương.

Phong cách cà phê độc đáo của Việt Nam

Sẽ thật sai lầm nếu như bạn đến Việt Nam du lịch mà không thử qua cà phê Việt. Hầu hết cà phê Việt Nam đều được pha lạnh và có vị ngọt đậm. Dưới đây là một số phong cách cà phê độc đáo phổ biến ở Việt Nam.

Văn hóa cà phê Việt Nam
Văn hóa cà phê Việt Nam

Cà phê Hà Nội

Mang hương vị thơm đậm, sánh mịn, Cà phê Hà Nội là nét đặc trưng của thủ đô này. Ly cà phê nhỏ nhưng mạnh, thường được phục vụ kèm trà xanh để cân bằng vị giác giữa các ngụm. Giống với nhịp sống chậm rãi của miền Bắc, cà phê Hà Nội là thứ để nhâm nhi, cảm nhận.

Cà phê Sài Gòn

Phù hợp với phong cách sống năng động của người dân thành phố phía Nam. Người Sài Gòn thường dùng ly cà phê cao đi kèm ống hút. Đây là lựa chọn phổ biến nhất khi bạn gọi cà phê mà không chỉ định loại cụ thể ở miền Nam.

Cà phê Trứng

Cà phê Trứng là thức uống độc đáo ra đời từ những năm 1940 tại Hà Nội và dần trở thành biểu tượng văn hóa cà phê địa phương. Lòng đỏ trứng gà sẽ được đánh bông cùng sữa đặc, tạo thành lớp bọt sánh mịn đặt trên ly cà phê. Vị ngọt béo của lớp kem trứng chính là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của thức uống này.

Cà phê trứng
Cà phê trứng

Bạc Xỉu

Là sự kết hợp thú vị giữa khẩu vị Việt Nam và Trung Hoa. Khác với cà phê Việt truyền thống, Bạc Xỉu thường được dùng nóng. Sự kết hợp giữa cà phê, sữa tươi và sữa đặc mang đến hương vị ngọt ngào, béo ngậy, nhưng vẫn còn dư chút vị đắng nhẹ của cà phê. Tuy nhiên, Bạc Xỉu dù có hàm lượng caffeine thấp nhưng lại có độ ngọt cao nên có thể khiến nhiều người không quen.

Bạc Xỉu
Bạc Xỉu

Cà phê sữa chua / sinh tố cà phê

Đây là sự kết hợp khá là thú vị, phổ biến ở các vùng nhiệt đới của Việt Nam. Sữa chua hoặc sinh tố cà phê là sự hòa quyện giữa sữa chua, cà phê và trái cây. Vị cà phê kết hợp cùng vị ngọt, chua nhẹ của hoa quả và sữa chua là sự lựa chọn tuyệt vời cho ngày hè nắng nóng.

Cà phê dừa

Đây là thức uống khá phổ biến với du khách nước ngoài. Kem dừa béo ngọt được dùng để trang trí lên ly cà phê đá, tạo nên sự kết hợp mới lạ và thơm ngon. Người ta thường pha cà phê dừa với sữa đặc, nhưng nếu bạn kiêng sữa hoặc không thích ngọt thì nhiều quán cà phê có thể thay thế bằng hoàn toàn bằng nước dừa.

Cà phê dừa
Cà phê dừa

Ở Việt Nam, tuy có mặt khá nhiều chuỗi cửa hàng cà phê lớn, nhưng các quán cà phê địa phương vẫn chiếm ưu thế hơn cả, về giá cả cũng như về hương vị. Rất dễ để bắt gặp hình ảnh người Việt ngồi vỉa hè nhâm nhi ly cà phê buổi sáng. Một lưu ý dành cho du khách nước ngoài khi gọi cà phê Việt Nam ở các quán cà phê địa phương đó là các quán này thường mặc định phục vụ cà phê với nhiều đá và phải thật ngọt, vì ở Việt Nam người ta chủ yếu uống cà phê Robusta nên phải thêm ngọt cho giảm bớt vị đắng. Vậy nên nếu bạn không phải người hảo ngọt, bạn nên lưu ý trước với nhân viên phục vụ. Các quán cà phê địa phương Việt Nam cũng thường sử dụng phin cà phê để pha chế, và có thể sử dụng sữa đặc có đường thay vì sữa tươi thông thường, nên nếu bạn không dung nạp được lactose có thể dặn nhân viên đổi từ sữa thành đường. 

Là nước xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu thế giới, cà phê Việt Nam không chỉ đơn thuần là thứ thức uống bình dân mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Hơn cả hương vị đậm đà, mạnh mẽ, cà phê Việt còn mang đậm dấu ấn của một nền văn hóa lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác, qua bao thế hệ già trẻ. Cà phê Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là thức uống được yêu thích bởi du khách quốc tế. Đến với Việt Nam, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa cà phê độc đáo, thưởng thức hương vị cà phê đậm đà và cảm nhận sự ấm áp, mến khách của con người nơi đây.

Nguồn: Kate MacDonnell.

Bạn có thể đặt mua các sản phẩm cà phê của Bác Trư tại:

Liên hệ Bác Trư Coffee để nhận những thông tin và ưu đãi sớm nhất bạn nha!

 

Post Tags :

đăng kí

Đăng kí để nhận thông tin mới nhất từ chúng tôi